Trình bày bức tranh nhân lực ngành Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT -TT) Việt Nam năm 2006 - 2010, hiệu trưởng một trường ĐH cho biết: “Sau thời kỳ tăng trưởng mạnh về đào tạo CNTT-TT các năm 2006-2008, từ năm 2009, các con số thống kê sơ bộ cho thấy dù chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra hàng năm đều tăng nhưng số người đăng ký học đại học cao đẳng CNTT-TT chính quy đang giảm sút 10-15%/năm - do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và do sức hút của các ngành khác khối Kinh tế, đặc biệt là Tài chính - ngân hàng. Sự suy giảm về số lượng thí sinh nhập học sẽ dẫn đến suy giảm số lượng nhân lực CNTT cung cấp cho ngành từ năm 2014, là thời điểm sinh viên nhập học năm 2009 tốt nghiệp.
Về chất lượng đào tạo, khung đào tạo của nhiều chương trình đào tạo CNTT-TT đã được xây dựng lại, thu hẹp khoảng cách so với các chương trình nước ngoài, thông qua việc nhập chương trình đào tạo từ nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng chung về đào tạo CNTT-TT vẫn đang ở mức thấp. Đa số sinh viên tốt nghiệp vẫn còn yếu về ngoại ngữ, chưa có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Tình trạng đào tạo CNTT nặng tính hàn lâm vẫn phổ biến, sinh viên cũng ít được chú trọng đào tạo về kỹ năng mềm và kinh nghiệm nghiên cứu, kinh nghiệm làm việc thực tế”.
Mặt khác, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo CNTT tập trung cùng lúc ở 3 bộ: Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin Truyền thông, cùng với 3 luật chi phối (Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật CNTT) đã làm rối bức tranh quản lý và hạn chế việc quản lý theo hành lang pháp lý và hỗ trợ để phát triển”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp mong muốn: "Đào tạo CNTT sẽ do Bộ CNTT-TT chủ trì".
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: “Năng suất của một tập đoàn công nghệ trên 13 vạn người ở Mỹ hiện nay đang làm ra giá trị lớn hơn cả GDP của Việt Nam với dân số hơn 86 triệu người. Chúng ta phải thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực CNTT ngay từ bây giờ. Chỉ cần 10-15 năm nữa thôi là sẽ hết mất cơ hội. Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, thanh niên Việt Nam đặc biệt rất đam mê CNTT. Đây là những điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển CNTT".
Bộ trưởng chỉ ra một số tồn tại trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện nay, ông cho rằng: “Thiếu định hướng đào tạo. Học sinh lớp 12 mò mẫm chọn trường, không đúng với sở trường, với nhu cầu của xã hội, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục đào tạo còn chậm, lúng túng. Do vậy, cần đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ hiện đại. Tất cả các doanh nghiệp đều có cơ sở đào tạo (đào tạo khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ quản lý, công nhân lành nghề…). Phấn đấu nhanh chóng chúng ta sẽ có chính phủ điện tử thông suốt từ Trung ương đến xã. Bộ cũng đang xúc tiến xây dựng dự án chính sách ưu tiên cho đội ngũ chuyên gia làm CNTT”.
Chia sẻ với sinh viên công nghệ thông tin, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại của CNTT và viễn thông, nơi chỉ cần có bộ óc và bầu trời là có thể tạo ra của cải. Thời gian cho mọi người là như nhau nhưng kết quả mà họ có được lại rất khác nhau, hãy biết trân trọng quỹ thời gian mình đang có và phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức. Các em hãy cố gắng đầu tư cho việc học trước 35 tuổi là tốt nhất. Các em đang đứng trước cơ hội để thay đổi thứ hạng của đất nước, cơ hội để đưa đất nước đi đầu. Chỉ 10-15 năm nữa thôi cơ hội này sẽ không trở lại nữa. Hãy nắm lấy cơ hội. Phải học để trở thành một bộ phận khăng khít của đời sống. Phải chịu học, chịu đọc, để trở thành người có ích, giúp dân tộc tỏa sáng, giúp thế giới ngưỡng mộ chúng ta”.