Lãnh đạo phải "nịnh" nhân viên giỏi
Trao đổi với PV, ông Nguyễn An Thao, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khẳng định nhiều giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm đang phải “nịnh” nhân viên hết mức để giữ chân họ, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu công nghệ tiên tiến nhất. Bởi tại Việt Nam hiện chưa có nhiều người có thể làm tốt những mảng việc này, trong khi các khách hàng quốc tế đặt hàng làm gia công xuất khẩu phần mềm lại đang có xu hướng chuyển dịch sang các công nghệ mới đó.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Lâm, Tổng Giám đốc FPT Software chia sẻ: “Các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt đang đứng trước rất nhiều cơ hội kinh doanh lớn đến từ thị trường Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Singapore, đặc biệt là những cơ hội gắn với xu hướng phát triển của công nghệ mới. Chưa khi nào chúng tôi đứng trước những dự án quy mô lớn mà không có đủ nhân lực để triển khai như hiện nay”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Hanel (Hanel Soft) cho biết có rất nhiều đơn hàng hiện giờ Hanel không có người làm. “Đơn cử với những dịch vụ giá trị gia tăng cao như tích hợp hệ thống cho các tổ chức ngân hàng, tài chính thì hầu hết các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam không làm được. Ở những hệ thống lớn như vậy, toàn bộ những mảng việc lớn bên trên vẫn do doanh nghiệp ở các quốc gia khác (như Ấn Độ) làm, chỉ còn một vài mảng việc nhỏ bên dưới thì doanh nghiệp Việt Nam làm. Có thể ví chúng ta đang chỉ đơm cúc áo, còn việc làm ra cái cúc, cái áo hoặc thiết kế và lắp ráp áo thì không làm được, để dành phần việc có giá trị gia tăng cao hơn cho người khác làm”, ông Hoàng nói.
Tìm hiểu nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm “bói” mãi mới tìm được người làm thì thấy không hẳn do người Việt Nam không giỏi mà một phần vì hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng chưa tập trung đào tạo chuyên sâu đội ngũ nhân lực có khả năng làm chủ những công nghệ mới nhất. Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn không ngừng kêu ca về chuyện các trường Đại học, Cao đẳng chỉ đào tạo những kiến thức cơ bản, thông dụng chứ không đào tạo chuyên sâu, nâng cao về công nghệ di động, đám mây, khiến doanh nghiệp không thể kiếm ngay được người thực hiện các đơn hàng gia công phần mềm liên quan tới công nghệ di động, đám mây. Câu chuyện này đã được đề cập khá lâu nay song khó có thể khắc phục được trong thời gian ngắn.
Xuất khẩu phần mềm tăng lương để giữ chân nhân lực
Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm khi trao đổi với PV đều thừa nhận rằng đang trong cảnh thừa việc, thiếu người tài nên không nghĩ tới chuyện giảm lương nhân viên.
Đơn cử, tại Công ty Rikkei Soft, tình trạng cắt giảm lương của nhân viên chưa bao giờ xảy ra. Để khuyến khích nhân viên phát triển hết khả năng của mình, công ty này còn áp dụng cơ chế đánh giá công việc 2 lần trong năm để thêm cơ hội tăng lương cho nhân viên, cuối quý hoặc cuối năm đều có bầu chọn nhân viên xuất sắc để trao thưởng.
Trong khi rất nhiều doanh nghiệp làm phần mềm phục vụ thị trường nội địa phải đối mặt với chuyện nợ lương, cắt thưởng của nhân viên thì tại các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, các nhân viên, lập trình viên vẫn đang đều đặn hưởng mức lương trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu đảm nhận được những công việc có mức yêu cầu cao thì còn được nhận lương cao hơn. Chẳng hạn tại Hanel Soft, đã và đang có những chuyên gia được HanelSoft trả lương rất cao, ngang bằng với mức lương áp dụng cho chuyên gia quốc tế tại các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2013, mức lương bình quân của công nghiệp phần mềm Việt Nam 3 năm gần đây liên tục giảm, từ mức 5.123 USD/người/năm của năm 2010 giảm xuống 5.034 USD vào năm 2011 và tiếp tục giảm xuống 5.009 USD vào năm 2012. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Lương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm Luvina thì giảm lương là hiện tượng chưa bao giờ có trong giới xuất khẩu phần mềm.