Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chương trình hỗ trợ đào tạo và sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản (ITPEC) tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo chủ đề phát triển “Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản” diễn ra sáng nay, ngày 21/9/2016, tại Hà Nội.
Là một hoạt động trong chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về việc Nhật hỗ trợ thiết lập Hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản tại Việt Nam, hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản” do Trung tâm đào tạo VITEC - Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Cục phát triển CNTT Nhật Bản (IPA) đồng tổ chức với mục đích iới thiệu Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản và chương trình ITPEC tại Việt Nam.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo sáng nay, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, kể từ năm 2001 đến nay, VITEC đã đại diện Việt Nam tham gia Hội đồng sát hạch Kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng ITPEC để phối hợp với cùng Trung tâm sát hạch kỹ sư CNTT Nhật Bản JITEC - Cục Phát triển CNTT Nhật Bản tổ chức triển khai các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng ITSS ở Việt Nam.
Hiện nay, mỗi năm VITEC tổ chức 2 kỳ sát hạch vào chủ nhật cuối cùng của tháng 4 và chủ nhật cuối cùng của tháng 10. Tính đến nay, VITEC đã tổ chức thành công 29 kỳ sát hạch tại Việt Nam, trong đó có 21 kỳ sát hạch chung với các nước tham gia ITPEC, theo các loại hình: Kỹ sư CNTT Cơ bản (FE), Kỹ sư Ứng dụng CNTT (AP) và Hộ chiếu CNTT (IP).
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, đến nay đã có hơn 15.000 thí sinh đăng ký tham dự các kỳ sát hạch tại Việt Nam, các thí đạt yêu cầu đã được Bộ trưởng Bộ KH&CN cấp chứng chỉ, được Chính phủ Nhật Bản và 7 quốc gia tham gia ITPEC công nhận. “Đây là kết quả tích cực của sự hợp tác giữa hai bên. Bộ KH&CN cũng mong rằng với thế mạnh trong lĩnh vực CNTT, bên cạnh sự hỗ trợ đào tạo nhân lực CNTT theo chuẩn của Nhật, Chính phủ Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển CNTT nói riêng và KH&CN nói chung”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Ông Ogawa, Giám đốc chương trình ITPEC của Nhật Bản cho biết, hàng năm, tại Nhật có khoảng 650.000 thí sinh tham gia các kỳ sát hạch theo chuẩn kỹ năng CNTT này, trong khi đó tại Việt Nam, số lượng thí sinh tham gia thi chưa cao.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, VITEC và IPA sẽ tập trung tìm kiếm xây dựng và mở rộng mạng lưới các đối tác hỗ trợ đào tạo, tập trung vào các chứng chỉ Hộ chiếu CNTT (IP) cho nhóm đối tượng kỹ sư cần sử dụng CNTT hiệu quả và Kỹ sư CNTT cơ bản (FE) cho nhóm đối tượng là kỹ sư CNTT. Bên cạnh đó, theo ông Ogawa, ITPEC cũng đang cân nhắc việc triển khai kỳ sát hạch chứng chỉ Quản trị An toàn thông tin tại các nước tham gia ITPEC, sau khi kỳ sát hạch đầu tiên được tổ chức thành công tại Nhật Bản tháng 4/2016 với hơn 22.000 thí sinh tham gia.
Tại hội thảo, sự hạn chế trong công tác hỗ trợ đào tạo, sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản trong thời gian qua ở Việt Nam cũng đã được ông Nguyễn Lâm Thanh thẳng thắn thừa nhận. Được triển khai từ hơn 10 năm nay nhưng cho đến nay số lượng các thí sinh đăng dự thi cũng như đạt được các chứng chỉ còn thấp.
“Nhật Bản số lượng kỹ sư CNTT không nhiều hơn Việt Nam, tuy nhiên mỗi năm trong khi Nhật có hơn 600.000 người dự các kỳ sát hạch thì số lượng thí sinh đăng ký tham gia các kỳ sát hạch tại Việt Nam rất thấp và số thí sinh đỗ lại càng thấp hơn. Hiện nay, mỗi năm tại Việt Nam chỉ có khoảng 100 thí sinh đỗ kỳ sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng của Nhật Bản”, ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, nguyên nhân là do VITEC chưa làm tốt công tác hỗ trợ đào tạo. Các giáo trình, giáo án được phía ITPEC Nhật Bản chuyển rất đầy đủ, đồng thời hỗ trợ đào tạo nhiều giảng viên cho Việt Nam, với khoảng 50 giảng viên đã được đào tạo tại Nhật. Tuy nhiên, trong những năm qua, VITEC đã sử dụng các nguồn lực được hỗ trợ chưa hiệu quả.
Trên cơ sở nhận thức được hạn chế kể trên trong công tác hỗ trợ đào tạo các kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản, ông Thanh cho biết, VITEC và IPA đã thống nhất xây dựng lại Chương trình hỗ trợ đào tạo và sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản ITPEC tại Việt Nam, tập trung nhiều nỗ lực vào công tác hỗ trợ đào tạo cho sinh viên các trường đại học.
“Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng của Nhật, vừa qua, VITEC đã tìm kiếm, mời các trường đại học, các đơn vị, tổ chức tham gia công tác hỗ trợ đào tạo cùng VITEC để đưa được nội dung chương trình đào tạo ITPEC tiếp cận được đông đảo sinh viên; hỗ trợ các sinh viên luyện thi, làm thế nào để số lượng thí sinh Việt Nam thi đỗ kỳ sát hạch kỹ sư CNTT nhiều hơn, không phải gấp 2 - 3 lần hiện nay mà kỳ vọng của chúng tôi là sẽ gấp 10 lần, với mục tiêu mỗi năm sẽ có hàng ngàn thí sinh Việt Nam đạt chứng chỉ kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng của Nhật”, ông Thanh chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, VITEC đã trao chứng nhận đối tác triển khai chương trình ITPEC của VITEC cho 25 trường đại học, đơn vị, tổ chức sẽ tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng của Nhật bắt đầu từ năm 2017 tới, gồm có: Viện CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội; khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng; Viện CNTT-TT, Đại học Thái Nguyên; khoa CNTT, Đại học Đông Á; trường Cao đẳng Công nghệ In; Trung tâm đào tạo Hội Truyền thông Việt Nam; Viện Tin học Nhân dân, Hội Tin học Việt Nam; VCCI Hải Phòng; Công ty TNHH giải pháp Hệ thống thông tin và kiến trúc doanh nghiệp….
VITEC cũng cam kết thời gian tới sẽ hỗ trợ các trường, đơn vị Hệ thống đối tác triển khai chương trình ITPEC, cụ thể bên cạnh việc cung cấp đầy đủ cho các đối tác các giáo trình, giáo án, các hệ thống đề thi mẫu, thi thử…, Trung tâm sẽ tổ chức các lớp đào tạo cho giảng viên của các trường, đơn vị trong hệ thống đối tác để những đơn vị này sẽ triển khai dào tạo trực tiếp cho các thí sinh.
Đồng thời, đại diện VITEC cũng cho biết, Trung tâm này mong muốn trong tương lai gần sẽ mở rộng các điểm thi sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng của Nhật tới các trường đại học là những đối tác mạnh. Dự kiến, ngay trong kỳ sát hạch tổ chức tháng 10/2016, VITEC sẽ tổ chức 1 điểm sát hạch tại trường Đại học Duy Tân. “Chúng tôi sẽ cử cán bộ giám sát việc tổ chức thi sát hạch tại điểm nay, coi điểm này là hình mẫu để có thể tính đến việc mở rộng thêm các điểm thi sát hạch kỹ sư CNTT tại các trường đại học trong năm 2017”, đại diện VITEC chia sẻ.
Đáng chú ý, trong kỳ sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản được tổ chức ngày 16/10/2016, VITEC sẽ miễn lệ phí dự thi chứng chỉ Hộ chiếu CNTT (trị giá 1,5 triệu đồng) cho tất cả các thí sinh là sinh viên khá, giỏi của các trường đại học trong Hệ thống đối tác triển khai chương trình ITPEC. Hai thí sinh xuất sắc của kỳ sát hạch này sẽ được tham gia một chương trình tham quan và học tập 10 ngày tại Nhật Bản, các thí sinh được cấp chứng chỉ khác sẽ có nhiều ưu tiên trong việc xét đi sang Nhật Bản để làm việc.
- VN đang tụt hạng về mức hấp dẫn gia công phần mềm?
- Những "người cũ” nổi tiếng của ngành lập trình Việt bây giờ ra sao?
- Bill Gates giành lại ngôi vị giàu nhất thế giới
- Những nỗi thất vọng lớn nhất làng công nghệ 2013
- Nhân tài Đất Việt 2013 "trống" nhiều giải Nhất
- Mỹ ngày càng "khát" dữ liệu người dùng Google
- Windows Phone sẽ sớm chiếm ngôi thứ 2 của iOS?
- 8 kỹ năng lập trình sẽ “hot” trong 5 năm tới