JSOFT
PHIÊN BẢN MỚI           Hộp thư
VN đang tụt hạng về mức hấp dẫn gia công phần mềm?
(JSOFT.VN) - Đại diện Vụ Công Nghệ Thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trước đây, Việt nam từng được đánh giá là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất về gia công phần mềm, tuy nhiên, hiện đã tụt xuống vị trí số 17.

Mặc dù vậy, cơ quan này vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng gia công phần mềm của Việt Nam và đặt mục tiêu Việt Nam sớm quay trở lại Top 10. Đồng thời, Hà Nội cùng TP.HCM sẽ phấn đấu lọt vào Top 10 thành phố dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, thông qua Chương trình phát triển Công nghiệp CNTT Việt Nam đến năm 2020.

Phát biểu tại Tọa đàm Phát triển Công nghiệp CNTT đến năm 2020 diễn ra sáng nay (25/6), ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết mục tiêu chính của Chương trình "Phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam" là nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghệ Việt Nam, tăng trưởng doanh thu thuộc nhóm cao nhất cả nước, trong đó giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu ngày càng lớn.

Nhận định rằng gia công thô phần mềm và phát triển nội dung số đều là thế mạnh, phù hợp với ưu điểm của người Việt Nam, đồng thời hạn chế được điểm yếu về vốn đầu tư, nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp nội, ông Đường nhấn mạnh rằng dù doanh thu từ hai mảng thị trường này hiện chỉ khoảng 3 tỷ USD trên tổng doanh thu 37 tỷ USD của ngành công nghiệp CNTT (34 tỷ USD còn lại thuộc về phần cứng), nhưng tỷ suất lợi nhuận đạt được lại lên tới 80-90%, trong khi giá trị gia tăng mà phần cứng đem lại chỉ khoảng 10%.

"Phần lớn lợi nhuận phần cứng thuộc về các doanh nghiệp FDI như Samsung, Intel, LG... nên giá trị còn lại của phía Việt Nam không nhiều. Tính ra, dù doanh thu phần cứng cao gấp 10 lần doanh thu phần mềm nhưng lợi nhuận cũng chỉ nhỉnh hơn không nhiều", vị đại diện của Bộ TT&TT so sánh.

Sẽ hỗ trợ toàn diện doanh nghiệp

Chính vì vậy, một trong những hướng đi chiến lược, trọng điểm của CNTT Việt Nam trong thời gian tới vẫn là phát triển các dịch vụ CNTT và dịch vụ gia công quy trình cho thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Cơ quan quản lý cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nội xây dựng và áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về quy trình quản lý chất lượng, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin và quản lý khách hàng như CMMi, ISO 27001, ISO 25000..., đồng thời có những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, đào tạo, cung cấp các dịch vụ tư vấn về cơ chế, chính sách, pháp lý, môi trường đầu tư, sở hữu trí tuệ, quản trị doanh nghiệp... cho các doanh nghiệp.

Dự thảo "Chương trình Phát triển Công nghiệp CNTT Việt Nam đến năm 2020" cũng nêu rõ Nhà nước sẽ có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển phần mềm nhúng, phần mềm cho các thiết bị viễn thông, các dịch vụ gia công xuất khẩu về CNTT (ITO), dịch vụ gia công xuất khẩu quy trình kinh doanh (BPO), dịch vụ dữ liệu, điện toán đám mây, các sản phẩm dịch vụ, ứng dụng di động...

Không chỉ vậy, Nhà nước sẽ xây dựng các báo cáo nghiên cứu thị trường để phối hợp với doanh nghiệp tìm kiếm các phân khúc thị trường phù hợp, thị trường ngách cho doanh nghiệp CNTT Việt Nam.

Cần mục tiêu cụ thể

Đồng tình với hướng đi này của cơ quan quản lý, song ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Misa cho rằng, Chương trình cần đề ra mục tiêu cụ thể hơn để việc triển khai hành động trong thực tế được dễ dàng, rõ ràng. "Mục tiêu chính của Chương trình là tăng trưởng doanh thu cho ngành công nghiệp CNTT Việt Nam. Vậy thì nên có con số chính xác về doanh thu đến năm 2020 là bao nhiêu, trong đó phần cứng đóng góp bao nhiêu, phần mềm và dịch vụ bao nhiêu", ông Hoàng nêu quan điểm.

Muốn tăng trưởng doanh thu thì doanh nghiệp nội phải có sức cạnh tranh cao, không chỉ trong nước mà còn cả ở mặt trận quốc tế. Nhưng làm cách nào để có được sức cạnh tranh cao? Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc xây dựng những dịch vụ, sản phẩm mạnh (cạnh tranh về mặt công nghệ), hoặc phát triển kênh bán hàng, thương hiệu tốt (cạnh tranh về mặt thương mại). Cả hai hướng đi này đều quan trọng như nhau, vị đại diện Misa phân tích.

vietnamnet

Khóa học sắp khai giảng

    Đăng nhập (Học viên)

    Làm thế nào để có thể học lập trình nhanh!

    Lựa chọn ngôn ngữ nào để bắt đầu học lập trình?

    Cổng thông tin (Portal) là gì ? Xây dựng cổng thông tin có những chức năng gì?

    Cuộc chiến giữa JAVA và DotNET, bạn chọn bên nào?

    Java hay .NET? Một bài toán nan giải của nhiều Newbie

    Le Doan Hop

    Những xu hướng lập trình đang nổi trong làng công nghệ

    WWW - 25 năm thay đổi thế giới

    Chưa dám dùng phần mềm nguồn mở vì thiếu người hỗ trợ

    5 hiểu lầm dai dẳng nhất về Android

    Nhìn lại quá trình “tiến hóa” của Windows

    © Copyright 2008-2016 JSoft.vn, All rights reserved.
    ® JSoft giữ bản quyền nội dung trên website này
    Build on J2EE technology