Nguyên nhân dẫn tới viễn cảnh suy tàn của các mạng xã hội
Mức độ phổ biến của các mạng xã hội trên thế giới đang chứng kiến xu hướng suy giảm, buộc các công ty truyền thông xã hội sẽ phải điều chỉnh chiến lược phát triển trong tương lai.
Khi con người không còn được đặt ở vị trí trung tâm, mạng xã hội sẽ phải đối mặt với viễn cảnh bị xa lánh.
Theo một nghiên cứu gần đây của công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn thị trường kỹ thuật số Gartner (Mỹ), các mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng về hoạt động của người dùng. Một số gã khổng lồ truyền thông xã hội có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản.
Cuộc khảo sát cho thấy đến năm 2025, 50% số người tham gia khảo sát có kế hoạch ngừng hoàn toàn hoạt động trên mạng xã hội hoặc ít nhất là giảm đáng kể. Những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đó là sự lan truyền thông tin sai lệch, ảnh hưởng độc hại và sự thống trị của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI).
Emily Weiss, chuyên gia nghiên cứu của Gartner, lưu ý rằng người dùng đang ít chia sẻ cuộc sống và nội dung của họ trên mạng xã hội hơn. Đây là một sự thay đổi mạnh mẽ so với chỉ vài năm trước đây. 53% số người được hỏi khẳng định chất lượng của mạng xã hội đã xuống cấp đáng kể trong vòng 5 năm qua.
Người dùng cũng không hài lòng với khả năng tích hợp AI vào mạng xã hội. Có tới 70% những người được khảo sát rất lo ngại về việc AI ngày càng được tích hợp nhiều hơn vào các nền tảng truyền thông xã hội để khai thác dữ liệu người dùng, tác động tiêu cực đến trải nghiệm của họ.
Trước xu hướng này, các chuyên gia khuyến cáo các nền tảng xã hội phải xem xét lại chiến lược phát triển của mình. Đặc biệt, các khái niệm về con người cần phải được đặt ở vị trí trung tâm và được chú trọng nhiều hơn là AI.
Chỉ có cách tiếp cận đó mới có thể giúp các nền tảng truyền thông xã hội giữ chân và thu hút người dùng, bất chấp bản chất thay đổi của quá trình sử dụng mạng xã hội trong tương lai.