Chưa dám dùng phần mềm nguồn mở vì thiếu người hỗ trợ
"Việc yêu cầu sử dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) trong các cơ quan Nhà nước ở thời điểm này chưa phù hợp vì thiếu lực lượng hỗ trợ kỹ thuật cho các sản PMNM", Giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Trung ương Đảng Vũ Duy Lợi nhận định.
Tìm đâu người hỗ trợ?
Theo lời kể của ông Vũ Duy Lợi, từ năm 2004 - 2005, Văn phòng Trung ương Đảng đã hợp tác với hai công ty là Netnam, CMC ứng dụng PMNM để triển khai hệ thống kết nối các máy tính của cơ quan Đảng trên toàn quốc, hệ thống kiểm soát truy nhập (tường lửa mềm). Cho đến nay, tại Việt Nam, vẫn chưa có sản phẩm, dịch vụ PMNM nào được triển khai trên hệ thống diện rộng như hệ thống này của cơ quan Đảng. Tới năm 2006, phần mềm quản lý văn bản trên mã nguồn mở cũng đã được phát triển và thử nghiệm thành công nhưng sau đó không được đưa vào sử dụng trong các cơ quan Đảng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu do không có đội ngũ hỗ trợ đảm bảo kỹ thuật, và bản thân sản phẩm vẫn còn yếu.
Với tư cách người làm CNTT ở đơn vị ứng dụng PMNM, ông Vũ Duy Lợi nhận định: "5 năm trước, việc yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng PMNM trong các cơ quan Nhà nước rất không phù hợp vì chưa hội đủ yếu tố cần thiết. Thời điểm này cũng vẫn chưa phù hợp vì thiếu lực lượng hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm được phát triển trên nền nguồn mở, chưa nói sản phẩm thuần PMNM. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong các cơ quan có thể đảm bảo cho hệ thống ứng dụng PMNM vận hành tốt còn rất thiếu. Rất mong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp CNTT-TT ưu tiên tập trung phát triển nhân lực có kỹ năng về PMNM và phát triển cộng đồng doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình ứng dụng PMNM. Không nên chỉ quá nhấn mạnh vấn đề nghiên cứu phát triển sản phẩm để làm kinh tế. Cách đây 5 – 10 năm đã có chương trình phát triển sản phẩm nguồn mở nhưng không đạt kết quả như mong muốn".
Ông Trần Gia Long, Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Phúc cũng đã từng băn khoăn về việc không phải ai cũng sử dụng được PMNM. Về bản chất, PMNM là sản phẩm có tính cộng đồng, mỗi khi có phiên bản mới, những người không có trình độ chuyên môn sẽ rất khó cập nhật, sử dụng. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Vĩnh Phúc chưa thể triển khai được PMNM một cách đồng bộ trên phạm vi rộng.
Rất nhiều cơ quan Nhà nước chưa dám triển khai phần mềm nguồn mở vì không biết tìm ai hỗ trợ nếu gặp vướng mắc trong quá trình sử dụng.
Gỡ khó dần dần
Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành về CNTT-TT và đã từng ban hành nhiều văn bản, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển ứng dụng PMNM, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT thừa nhận việc đưa PMNM vào cuộc sống không dễ dàng do cộng đồng PMNM vẫn còn yếu.
Vụ trưởng Nguyễn Trọng Đường phân tích: "Hiện không có thống kê chính thức xem cộng đồng PMNM tại Việt Nam đang có bao nhiêu người. Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) mới có khoảng 100 hội viên, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, số lượng này hơi ít để có thể tạo ra cộng đồng nguồn mở thực sự. Trong danh sách hội viên VFOSSA vẫn thiếu vắng nhiều doanh nghiệp lớn làm phần mềm, đặc biệt là những doanh nghiệp quốc tế như Intel, Yahoo, Google,... trong khi những doanh nghiệp này trên thực tế thời gian qua đều cổ súy mạnh cho hoạt động phát triển ứng dụng PMNM, thậm chí đã ứng dụng, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ về PMNM".
Theo tìm hiểu của ICTnews, trên thực tế đã và đang có nhiều nhóm, câu lạc bộ PMNM được hình thành và hoạt động theo tinh thần tự nguyện của những người yêu thích PMNM. Điển hình, cộng đồng NukeViệt cũng đã có tới gần 30.000 người sử dụng. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự hình thành được một đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật chính quy sẵn sàng tiếp ứng, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng PMNM.
Cuối năm 2011, Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số thuộc Bộ TT&TT đã công bố dự kiến thành lập Trung tâm Kiểm định đánh giá PMNM, trong đó có một trung tâm hỗ trợ (call-center) để sẵn sàng hỗ trợ từ xa giúp các cán bộ ở địa phương xử lý vướng mắc trong quá trình sử dụng PMNM. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy công bố thông tin chính thức nào về kết quả hoạt động hỗ trợ của trung tâm này.
Trong bối cảnh "cơn khát" nhân lực PMNM chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, VFOSSA dự kiến ngay trong năm nay sẽ phối hợp với Viện Tin học nhân dân thuộc Hội Tin học Việt Nam thành lập Trung tâm Đào tạo và phát triển phần mềm nguồn mở, góp phần hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực có kỹ năng, trình độ về PMNM để triển khai mạnh ứng dụng PMNM trong cuộc sống, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước nhằm tiết kiệm chi phí mua bản quyền phần mềm nguồn đóng, tăng sự chủ động về công nghệ, đảm bảo an toàn an ninh,...
TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho biết: "Nhiều năm trước, Thủ tướng đã giao cho Bộ Khoa học Công nghệ thành lập tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động liên quan đến PMNM nhưng nhiều năm qua mảng này vẫn chưa có tổ chức nào đảm nhiệm. Nếu không có hỗ trợ thì các địa phương và các cơ quan Nhà nước sẽ khó có thể vận hành các hệ thống ứng dụng PMNM. Thời gian tới, khi đi vào hoạt động, Trung tâm Đào tạo và phát triển phần mềm nguồn mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động ứng dụng PMNM tại Việt Nam".