Sáng 5/11/2014, tại buổi hội thảo "Xây dựng, Phát triển Thương hiệu và Bảo hộ Sở hữu Trí tuệ trong Thương mại Quốc tế: Xu hướng và Giải pháp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với tập đoàn Verisign tổ chức, vấn đề làm thế nào để bảo hộ sở hữu trí tuệ và tăng cường nhận diện thương hiệu trực tuyến đã được đưa ra bàn thảo với nhiều kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia.
PGS.TS Trần Văn Hải, Chủ nhiệm Khoa Khoa học quản lý, Chủ nhiệm bộ môn Sở hữu trí tuệ, ĐH KHXH&NV nêu một thực trạng: nhiều doanh nghiệp không chuẩn bị cho việc phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế…, dẫn tới bị mất quyền sở hữu chính đáng và gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường.
Ông Hải nhấn mạnh: doanh nghiệp tham gia vào thị trường thương mại điện tử phải tìm hiểu và quan tâm tới các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, như Công ước Paris về bảo hộ nhãn hiệu, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa để phòng tránh các trường hợp mất quyền kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường ngoài nước. "Nhãn hiệu do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Muốn xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ sang nước nào thì nhất thiết phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia đó", ông Hải cho biết.
Song song với việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, doanh nghiệp cũng cần lưu tâm đến việc tạo nhận diện thương hiệu trực tuyến, sở hữu một tên miền phù hợp với nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Đại diện công ty Cổ phần Mắt Bão Network, bà Lương Thị Thanh Hương cho biết: Hiện có rất nhiều sự lựa chọn về tên miền nhưng tên miền .com vẫn là một trong những tên miền tiêu chuẩn nhất được công nhận trong nhận diện thương hiệu trực tuyến của các doanh nghiệp, với 114,9 triệu tên miền đã được đăng kí trên toàn thế giới tính đến hết quý 3 năm 2014.
Cũng theo bà Hương, 80% doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tên miền đã lựa chọn tên miền .com và 94% người sử dụng cảm thấy an toàn khi truy cập vào một địa chỉ tên miền .com hơn địa chỉ tên miền khác. Một tên miền .com có thể được mua với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ trong tổng chi phí thành lập doanh nghiệp, nhưng lại là khoản đầu tư đáng giá nhất, giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy trang web trực tuyến của doanh nghiệp vào bất cứ lúc nào, kể cả khi doanh nghiệp đó vẫn đang phát triển trong nước hay đã mở rộng ra nước ngoài.
Tên miền .com vẫn rất hữu ích với doanh nghiệp
Vậy cần chọn tên miền như thế nào để tăng cường nhận diện thương hiệu trực tuyến? Thạc sĩ Trịnh Đình Long, chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu, TGĐ Công ty tư vấn AMICA cho biết: Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng và định vị thương hiệu của mình bằng cách tạo ra giá trị nổi bật, đồng nhất cho thương hiệu để khách hàng dễ dàng ghi nhớ thương hiệu. Khi chọn tên miền thì có 3 cách: (1) Đồng nhất tên công ty và tên thương hiệu với tên domain, trong đó tên miền có thể trùng với tên công ty và thương hiệu, ngành nghề, sản phẩm (honda.com.vn, nguonvieclam.vn, kienvang.vn); (2) Tên thương hiệu trùng tên domain, không trùng tên công ty (công ty thực phẩm Đồng Tâm: nutifood.com.vn; công ty Liwayway: oishi.com.vn); (3) Tên miền là tên thương hiệu kết hợp với tên sản phẩm ngành kinh doanh (kplus.vn; truyenhinhsovetinhkplus.vn).
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ rằng, tên miền không phải là đối tượng nằm trong phạm vi bảo hộ của luật sở hữu trí tuệ. Theo thông lệ trên thế giới và ở Việt Nam, việc cấp phát tên miền dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa cá nhân và tổ chức, đăng ký trước được cấp phát trước. Việc có bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ không đảm bảo cho doanh nghiệp có được tên miền liên quan, do đó doanh nghiệp phải chủ động đăng ký các tên miền liên quan đến quyền lợi, lợi ích của mình, tránh bị mất tên miền "đẹp", nếu không sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên Internet.