Cách đây 1/4 thế kỷ, mạng lưới toàn cầu World Wide Web chỉ là một ý tưởng mơ hồ của một chuyên gia máy tính trẻ tuổi. Theo AFP, Tim Berners-Lee của Trung tâm nghiên cứu Cern ở Thụy Sĩ ban đầu chỉ muốn nghĩ ra một phương pháp cho phép truy cập dễ dàng các tập tin từ nhiều máy tính liên kết với nhau. Tuy nhiên, ý tưởng này nhanh chóng mở đường cho một hiện tượng toàn cầu có ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới. Lúc đó, chuyên gia Anh đã trình bày kế hoạch của mình vào ngày 12/3/1989, và đó là thời điểm được công nhận là ngày khai sinh WWW. Dù vậy, đối với người thời đó, ý tưởng quá mức táo bạo như vậy dường như không thực, và khó có thể triển khai trên thực tế. Trước dự án bị xem là quá “xấc xược”, các đồng nghiệp Cern của Berners-Lee hoàn toàn phớt lờ, theo cha đẻ của WWW nhớ lại.
Vào thời đó, ít ai biết được quân đội Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu dự án các mạng máy tính nối kết từ những năm 1950, và đến năm 1969 Lầu Năm Góc triển khai Arpanet, được gọi là “tiền bối” của mạng lưới toàn cầu. Do vậy, WWW là một trong vài ý tưởng hiếm hoi được công khai trước dư luận. Berners-Lee đã thuyết phục Cern áp dụng hệ thống của mình, chứng minh mặt hữu dụng của nó bằng cách kết hợp sổ điện thoại của phòng thí nghiệm vào một bảng chú dẫn trên mạng. Bằng cách này, chuyên gia Berners-Lee chứng tỏ được hệ thống hoạt động xuyên suốt trên các hệ điều hành máy tính. Và nó có khả năng cho phép người dùng nhấp chuột lên các đường dẫn nếu muốn truy cập những máy tính được đặt ở nơi khác. Lúc này, WWW không phải là hệ thống tối ưu nhất, nhưng ưu điểm lớn nhất là miễn phí. Các dịch vụ trực tuyến đối thủ khác như CompuServe tại Mỹ và Minitel của Pháp đều thu phí sử dụng.
Ý tưởng táo bạo giúp chuyên gia trẻ Tim Berners-Lee sáng lập WWW
Đến đầu những năm 1990, hệ thống Gopher của Đại học Minnesota (Mỹ) đã đánh bại WWW. Sau đó, theo đánh giá của Marc Weber (nhà sáng lập và quản lý chương trình lịch sử internet tại Bảo tàng Lịch sử máy tính ở Thung lũng Silicon), chính nhờ sự ủng hộ của cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore, bằng cách triển khai mạng WWW cho các cơ quan chính phủ mà WWW hất cẳng được Gopher. Việc giới thiệu website Whitehouse.gov được đánh giá là dấu hiệu bảo chứng uy tín nhất đối với internet. Đến năm 1993, công chúng được quyền sử dụng WWW miễn phí, trong khi Gopher bắt đầu thu phí. “Hầu hết mọi người đều không biết rằng cả WWW lẫn internet đều có đối thủ”, theo chuyên gia Weber. Nếu WWW không thắng thế, có thể bộ mặt của internet đã hoàn toàn khác. Với mô hình của Berners-Lee, con người tự do công bố những điều mình muốn trên các máy tính kết nối internet. Và các đại gia internet như Google và Yahoo! được thiết kế để hỗ trợ người dùng tìm được những trang mà họ muốn.
Vào lúc khai sinh WWW, nhiều người trong chúng ta không thể nào mường tượng được web ảnh hưởng như thế nào đến tương lai. Đến nay, ý tưởng của Berners-Lee tiếp tục gặt hái thành công chói lọi. Hiện có khoảng 2,3 tỉ trang web mà đại đa số người dùng có thể truy cập, tức chưa tính những website ẩn. Tuy nhiên, mới có khoảng 40% số dân trên toàn cầu tiếp cận được WWW, và cùng với công nghệ di động, các bên đang nỗ lực phủ sóng internet đến những ngóc ngách của địa cầu.
Những điều thú vị về WWW
- Vào ngày 6/8/1991, website đầu tiên http://info.cern.ch lên mạng.
- NeXT là máy chủ đầu tiên trên thế giới của web, và được dùng để viết trình duyệt web đầu tiên là World Wide Web vào 1990.
- Cha đẻ Berners-Lee tải bức hình đầu tiên lên web vào 1992, chụp ảnh ban nhạc của Cern là Les Horribles Cernettes.
- WWW đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử với việc triển khai trình duyệt web Mosaic vào năm 1993. Đây là trình duyệt đồ họa của Đại học Illinois.
- Archie được xem là cỗ máy tìm kiếm đầu tiên trên internet.
- Phim ảnh khiêu dâm chiếm phần lớn trên web, nhưng website đầu tiên mang đuôi miền .xxx đầu tiên lên mạng vào tháng 8/2011.
- Internet và web thường bị nhầm lẫn là hai khái niệm đồng nhất.
Internet chỉ mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng lớn kết nối hàng triệu máy tính trên toàn thế giới với nhau, còn WWW là tập hợp các trang văn bản, ảnh kỹ thuật số, tập tin âm nhạc, video, hoạt ảnh, mà người dùng có thể truy cập trên internet.
- Chưa dám dùng phần mềm nguồn mở vì thiếu người hỗ trợ
- 5 hiểu lầm dai dẳng nhất về Android
- Nhìn lại quá trình “tiến hóa” của Windows
- Xu hướng mới trong lập trình phần mềm: Giao tiếp trong kiến trúc Module
- Loại bỏ hạn chế: Đổi sang 64-bit
- Các cách tiếp cận và các kỹ thuật gỡ lỗi
- Ví dụ thiếu bộ nhớ riêng
- Khi dùng hết bộ nhớ